Dữ liệu có cấu trúc là định dạng chuẩn để cung cấp thông tin về trang và phân loại nội dung trang. Nó giúp Google và các công cụ tìm kiếm hiểu nhiều hơn và chính xác hơn về trang web của bạn.

Giới thiệu theo Google

Google Tìm kiếm hoạt động tích cực để hiểu nội dung của trang. Bạn có thể giúp chúng tôi bằng cách cung cấp manh mối rõ ràng về ý nghĩa của một trang cho Google bằng cách bao gồm dữ liệu có cấu trúc trên trang. Vậy dữ liệu có cấu trúc là gì? Dữ liệu có cấu trúc (Structured data) là định dạng chuẩn để cung cấp thông tin về trang và phân loại nội dung trang; ví dụ, trên trang công thức nấu ăn, các thành phần, thời gian nấu và nhiệt độ, lượng calo, v.v.

Google sử dụng dữ liệu có cấu trúc mà nó tìm thấy trên web để hiểu nội dung của trang, cũng như thu thập thông tin về web và thế giới nói chung.

Google Tìm kiếm cũng sử dụng dữ liệu có cấu trúc để bật các tính năng và cải tiến kết quả tìm kiếm đặc biệt. Ví dụ: một trang web có Breakcumd có dữ liệu có cấu trúc hợp lệ đủ điều kiện để xuất hiện trong kết quả tìm kiếm đồ họa, như được hiển thị ở đây:

Dữ liệu có cấu trúc

Đường dẫn (breadcrumb) trên trang cho biết vị trí của trang trong hệ thống phân cấp trang web. Từ kết quả tìm kiếm trên, người dùng có thể biết được trang web trên nằm trong danh mục Hệ điều hành.

Không chỉ có Google mà các công cụ tìm kiếm khác như Bing và Yandex cũng dựa vào dữ liệu có cấu trúc để hiểu trang web.

Dữ liệu có cấu trúc trong SEO

Trong Google Search Console, Google đã cung cấp Công cụ đánh dấu dữ liệu trong mục Giao diện tìm kiếm đã từ lâu. Cùng với các tài liệu mà Google đã giới thiệu, chúng ta có thể thấy rằng Dữ liệu có cấu trúc là một yếu tố rất quan trọng trong tối ưu hóa SEO Onpage. Đây là điều chắc chắn không cần phải tranh cãi, có hai lợi ích chính mà mình có thể nhận thấy.

Giúp Google hiểu trang web nhiều hơn và chính xác hơn:

Google Tìm kiếm cũng chỉ là một cổ máy, rất khó để nó có thể hiểu tất cả và chính xác nội dung và thông tin trên trang web. Để Google có thể hiểu tốt hơn nội dung cũng như thông tin trên trang web, chúng ta cần phải đánh dấu dữ liệu của trang theo tiêu chuẩn của Google.

Hiện tại, Google hỗ trợ nhiều kiểu dữ liệu khác nhau, bao gồm Article (Bài viết), Book (Sách), Course (Khóa học), Event (Sự kiện), Job Posting (Tin tuyển dụng, việc làm), Local Business (Doanh nghiệp địa phương), Product (Sản phẩm), Recipe (Công thức nấu ăn), Review (Đánh giá), Video, Software App (Phần mềm, Ứng dụng)… và nhiều loại nội dung khác. Nếu trang web của bạn thuộc loại nội dung mà Google hỗ trợ, bạn nên đánh dấu để Google có thể hiểu trang web một cách rõ ràng hơn và chính xác hơn.

Giúp hiển thị các thông tin bổ sung trong kết quả tìm kiếm:

Một khi Google đã hiểu chính xác nội dung trên trang web của bạn, nó có thể xuất hiện trong kết quả Tìm kiếm với hiển thị nâng cao hơn. Điều này giúp người dùng nhìn thấy trước một số thông tin về trang, cũng như kết quả của bạn trông sẽ bắt mắt và chuyên nghiệp hơn.

Dưới đây là một kết quả tìm kiếm bao gồm các thông tin cơ bản về Phần mềm, và bao gồm cả đánh giá:

Dữ liệu có cấu trúc cho Phần mềm, Ứng dụng

Dữ liệu có cấu trúc Bing
Không những Google mà Bing và các công cụ tìm kiếm khác cũng hỗ trợ Dữ liệu có cấu trúc.

Có một câu hỏi mà mình tự hỏi rằng việc Google hiển thị thông tin bổ sung trong kết quả tìm kiếm mà các thông tin này hoàn toàn do các chủ trang web quyết định thì có công bằng không? Các chủ trang web có thể lạm dụng, giả mạo các phiếu bầu, các đánh giá (review) để kết quả của họ có vẻ như là rất tốt trong kết quả tìm kiếm. Khả năng người dùng sẽ nhấp chuột vào các kết quả có đánh giá gian lận có cao hơn các kết quả có đánh giá trung thực hay không? Những hành vi này rất khó phát hiện và kiểm tra được.

Dữ liệu có cấu trúc có ý nghĩa đặc biệt đối với Google Tìm kiếm và cả người dùng Tìm kiếm. Hay nói cách khác, nó có ý nghĩa (thậm chí rất quan trọng) trong tối ưu hóa SEO Onpage, giúp cải thiện xếp hạng trong kết quả tìm kiếm và người dùng có thể sẽ nhấp chuột vào các kết quả có nhiều thông tin chi tiết hơn.

Đánh dấu dữ liệu

Hầu hết dữ liệu có cấu trúc Tìm kiếm sử dụng từ vựng schema.org, nhưng bạn nên dựa vào tài liệu trên developers.google.com để xác định hành vi của Google Tìm kiếm, thay vì tài liệu schema.org. Các thuộc tính hoặc đối tượng không được mô tả trên trang của Google không được Google Tìm kiếm yêu cầu, ngay cả khi được đánh dấu là bắt buộc bởi schema.org.

Hãy chắc chắn kiểm tra dữ liệu có cấu trúc của bạn bằng cách sử dụng Công cụ kiểm tra dữ liệu có cấu trúc trong quá trình phát triển và báo cáo Dữ liệu có cấu trúc của Search Console sau khi triển khai để theo dõi tình trạng các trang của bạn. Bạn có thể đánh dấu cho cả trang AMP và không phải AMP.

Dữ liệu có cấu trúc Google Search Console

Hiện tại, Google Tìm kiếm hỗ trợ dữ liệu có cấu trúc theo các định dạng sau:

JSON-LD (Được khuyến nghị bởi Google)

Ưu điểm: bạn có thể nhúng vào giữa hai thẻ <head></head> hoặc <body></body> mà không được xen kẽ với văn bản hiển thị của người dùng, điều này làm cho các mục dữ liệu lồng nhau dễ diễn tả hơn. Bạn không cần phải thêm các thuộc tính cho các thẻ HTML để đánh dấu dữ liệu của các thẻ đó.

Nhược điểm: việc đánh dấu dữ liệu bằng JSON-LD là sẽ làm cho kích thước mã HTML của trang lớn hơn.

Đây là ví dụ về đoạn JSON-LD mà mình dùng để đánh dấu trên trang Phần mềm của mình:

<script type="application/ld+json">
{
    "@context":"http://schema.org",
    "@type":"SoftwareApplication",
    "name":"AIO Boot",
    "softwareVersion":"0.9.8.12",
    "fileSize":"47.2 MB",
    "image":"https://static.aioboot.com/wp-content/uploads/2018/04/AIO-Boot-Grub2-Menu.png",
    "operatingSystem":"Windows",
    "applicationCategory":"http://schema.org/UtilitiesApplication",
    "aggregateRating": {
        "@type": "AggregateRating", "bestRating": "5", "ratingValue": "4.8", "ratingCount": "44"
    }
    ,
    "offers": {
        "@type": "Offer", "price": "0", "priceCurrency": "USD"
    }
}
</script>

Microdata và RDFa

Microdata: Một đặc tả HTML cộng đồng mở được sử dụng để lồng dữ liệu có cấu trúc trong nội dung HTML. Giống như RDFa, nó sử dụng các thuộc tính thẻ HTML để đặt tên cho các thuộc tính mà bạn muốn hiển thị dưới dạng dữ liệu có cấu trúc. Nó thường được sử dụng trong phần thân trang, nhưng có thể được sử dụng trong phần đầu.

RDFa: Tiện ích mở rộng HTML5 hỗ trợ dữ liệu được liên kết bằng cách giới thiệu các thuộc tính thẻ HTML tương ứng với nội dung hiển thị của người dùng mà bạn muốn mô tả cho các công cụ tìm kiếm. RDFa thường được sử dụng trong cả phần đầu và phần thân của trang HTML.

Ưu điểm của việc sử dụng Microdata và RDFa là bạn chỉ cần thêm các thuộc tính vào các thẻ HTML có sẵn được dùng để hiển thị nội dung trên trang web. Điều này không làm kích thước HTML lớn hơn quá nhiều so với việc sử dụng JSON-LD.

Ví dụ trong mã HTML sử dụng mã sau để hiển thị Tiêu đề của bài viết:

<h1 class="post-title">Xóa JavaScript chặn hiển thị và Giảm bớt JavaScript</h1>

Bạn chỉ cần thêm thuộc tính itemprop với giá trị là headline để đánh dấu dữ liệu trong thẻ này là headline, và Google sẽ biết được nó là headline:

<h1 class="post-title" itemprop="headline">Xóa JavaScript chặn hiển thị và Giảm bớt JavaScript</h1>

Nếu bạn muốn đánh dấu cho các dữ liệu không được hiển thị trên trang, bạn có thể sử dụng thẻ meta và khai báo giá trị cho thuộc tính content:

<meta itemprop="name" content="Nguyễn Tứ">

Đối với các dữ liệu dài chẳng hạn như articleBody, text…, việc đánh dấu bằng Microdata và RDFa sẽ tốt hơn, tránh phải khai báo lặp lại các giá dữ liệu này cho JSON-LD.

Chẳng hạn bạn muốn đánh dấu dữ liệu cho bài viết trên trang là Article, bạn có thể chọn một thẻ HTML bao gồm tất cả các dữ liệu cần thiết để đánh dấu, thêm thuộc tính itemscope itemtype vào thẻ như sau. Sau đó tiếp tục đánh dấu các mục được yêu cầu khác nằm trong thẻ này. Để biết thêm chi tiết, cũng như các kiểu dữ liệu mà Google hỗ trợ và yêu cầu, xem ở đây.

<div itemscope itemtype="http://schema.org/Article">
    ...........
</div>

WordPress

Đối với WordPress, có nhiều plugin hỗ trợ Dữ liệu có cấu trúc theo kiểu dữ liệu của nó. All In One Schema Rich Snippets là một plugin hỗ trợ đánh dấu dữ liệu cho rất nhiều kiểu dữ liệu. Tuy nhiên, sử dụng plugin này cần nhập các thông tin bổ sung, điều này làm cho kích thước HTML của trang tăng lên đáng kể.

Để thêm tính năng đánh giá trang web, bạn có thể sử dụng kk Star Ratings, plugin này cũng đánh dấu dữ liệu để hiện thông tin về đánh giá và phiếu bầu ra ngoài kết quả tìm kiếm. Nếu bạn sử dụng WooCommerce, bạn có thể sử dụng plugin Schema App Structured Data để đánh dấu dữ liệu cho các sản phẩm.

Trước đây mình có thấy các theme WordPress chuẩn SEO được bán trên Yoast đều sử dụng Microdata.

Cuối cùng, hãy sử dụng Công cụ kiểm tra dữ liệu có cấu trúc của Google để kiểm tra trang web của bạn. Hãy đảm bảo rằng bạn đã đánh dấu dữ liệu đúng cách, nếu không thì Google và các công cụ tìm kiếm sẽ hiểu sai về trang web của bạn.

Chúc bạn thành công!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *