Cài Windows qua mạng LAN là phương pháp rất tiện lợi so với sử dụng USB, DVD. Bạn chỉ cần một máy chủ để cài Windows cho tất cả các máy tính trong mạng LAN. Ngày nay, các máy tính hầu như đều hỗ trợ môi trường khởi mạng như PXE ở cả chế độ UEFI và Legacy BIOS. Và PXE là sự lựa chọn thường xuyên nhất cho khởi động, cài đặt và triển khai hệ điều hành. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn làm thế nào để cài đặt hệ điều hành Windows 10, 8.1 và Windows 7 qua mạng LAN.

Chú ý: Bài viết này đã cũ. Vui lòng xem bài viết mới về hướng dẫn cài Windows qua mạng LAN.

Mạng LAN là gì?

LAN (viết tắt từ tiếng Anh là Local Area Network, “mạng máy tính cục bộ”) là một hệ thống mạng dùng để kết nối các máy tính trong một phạm vi nhỏ (nhà ở, phòng làm việc, trường học, …). Các máy tính trong mạng LAN có thể chia sẻ tài nguyên với nhau, mà điển hình là chia sẻ tập tin, máy in, máy quét và một số thiết bị khác.

Theo Wikipedia. Xem thêm về LAN.

Ưu điểm khi cài Windows qua mạng LAN

Bạn có thể cài Windows qua mạng LAN và kể cả Internet. Một số đặc điểm dưới đây khiến việc sử dụng mạng LAN là một phương pháp rất tiện lợi và hiệu quả so với các phương pháp khác.

  • Kết nối và chia sẽ dữ liệu với tốc độ rất cao. Có thể cao hơn tốc độ đọc và ghi của USB và DVD rất nhiều.
  • Tiết kiệm số lượng thiết bị USB và DVD. Nếu bạn sử dụng USB hoặc DVD thì hoặc là mỗi máy tính phải được gắn một USB/DVD hoặc là bạn phải tốn thời gian để cài đặt lần lượt cho các máy tính. Trong trường hợp bạn phải cài đặt Windows cho các phòng máy ở trường học, các doanh nghiệp thì LAN là phương pháp tiện lợi và hiệu quả nhất.
  • Máy tính không cần phải có cổng USB và ổ đọc DVD.

Bên cạnh đó cũng có những nhược điểm như máy tính của bạn cũng phải hỗ trợ khởi động qua mạng LAN… Phổ biến là Preboot Execution Environment (PXE).

Làm thế nào nó làm việc?

Về nguyên lý thì cài Windows qua mạng LAN cũng giống như qua USB hoặc DVD. Trình cài đặt và các dữ liệu cần thiết sẽ được đọc từ một máy tính khác trong mạng LAN thay vì đọc trên USB hoặc DVD.

Về phía máy chủ thì bạn cần một phần mềm để mở các giao thức kết nối như DHCP và TFTP, ở đây tôi sử dụng Tiny PXE Server. Trên máy chủ, bạn cần phải bật tính năng chia sẽ dữ liệu để các máy khách có thể truy cập và sử dụng.

Về phía máy khách, ở đây máy tính cần phải hỗ trợ PXE. Khi khởi động máy khách, bạn cần phải bấm các phím tắt tương ứng để khởi động vào PXE. Các máy khách sẽ tìm một máy chủ DHCP trong mạng LAN và bắt đầu quá trình giao tiếp.

Xem video về cài đặt Windows qua mạng LAN (Youtube)

Các bước thực hiện

Trước tiên, bạn cần phải có các thông tin sau của máy khách:

  1. UEFI hay Legacy BIOS?
  2. Kiến trúc của UEFI firmware (nếu có). 32-bit UEFI firmware cần phải được cài đặt Windows 32-bit và 64-bit UEFI firmware cần được cài đặt Windows 64-bit.

Đối với máy chủ

  1. Tải về AIO Boot và giải nén vào ổ cứng hoặc USB của bạn. Không yêu cầu cài đặt Bootloaders. Nên sử dụng ổ cứng vì tốc độ đọc của ổ cứng sẽ nhanh hơn so với USB.
  2. Chúng ta sẽ sử dụng WinPE để thực hiện tất cả các công việc ở máy khách. Tải WinPE 10 và tích hợp chúng vào ổ đĩa AIO Boot. Chạy AIOCreator.exe, chuyển sang Tích hợp, chọn Windows -> WinPE 7/8.1/10 và chọn đến tệp tin đã tải về để tích hợp.
  3. Chạy AIOCreator.exe, chọn Chạy PXE và tiếp tục chọn một mục phù hợp với thông tin về máy tính và hệ điều hành mà bạn sẽ cài đặt. Tiny PXE Server sẽ khởi chạy.

    Tiny PXE Server
    Bạn cần chọn địa chỉ DHCP phù hợp. Đối với mạng LAN, nó thường có dạng 192.168.1.xxx.
  4. Mount tệp tin ISO của bộ cài đặt Windows và bật chia sẽ dữ liệu cho ổ đĩa đó.

    Chia sẽ dữ liệu qua mạng LAN
    Bạn cần phải bật chia sẽ dữ liệu cho ổ đĩa mà bạn đã mount tệp tin ISO để các máy khách có thể truy cập. Mục Network Path là mục cần được truy cập và sử dụng ở các máy khách.

Như vậy là bạn đã hoàn thành thiết lập ở máy chủ. Hãy đảm bảo rằng các máy khách có thể truy cập và sử dụng dữ liệu trong các thư mục được chia sẽ.

Đối với máy khách

Việc của tôi bây giờ là khởi động vào PXE. Gắn thư mục đã chia sẽ từ máy chủ vào một ổ đĩa ảo và chạy Setup.exe.

  1. Bắt đầu khởi động máy khách và sử dụng phím tắt phù hợp để khởi động vào PXE. Nếu bạn không nhìn thấy PXE, chỉ cần vào các mục tương tự như boot qua mạng chẳng hạn (Etherboot…).
  2. WinPE sẽ được khởi động và bạn sẽ nhìn thấy một cửa sổ Command Prompt. Bây giờ chúng ta sẽ sử dụng lệnh sau để gắn thư mục đã chia sẽ ở máy chủ vào một ổ đĩa ảo.
    net use Z: \\Desktop-69b63om\g

    Nhập Username và mật khẩu của máy chủ ở mục Enter the user name for 'Desktop-69b63om': và Enter the password for Desktop-69b63om: nếu được hỏi.
    Nếu kết quả xuất ra là The command completed successfully thì bạn đã thành công.

    • net use: Kết nối một máy tính hoặc ngắt kết nối một máy tính từ một nguồn tài nguyên được chia sẽ, hoặc hiển thị thông tin về các kết nối máy tính.
    • \\Desktop-69b63om\g: đây là thư mục (Network Path) được chia sẽ từ máy chủ ở trên.
    • Z: là ổ đĩa ảo mà chúng ta sẽ gắn thư mục trên.
  3. Tiếp theo, chúng ta chỉ cần chạy Setup.exe bằng lệnh sau:
    Z:\Setup.exe

    Để liệt kê các thư mục và tập tin có trong ổ Z:, gõ lệnh sau

    dir Z:\
  4. Trình cài đặt Windows sẽ khởi chạy và chúng ta sẽ bắt đầu quá trình cài đặt. Bạn có thể sử dụng nhiều ứng dụng khác như DiskPart, bcdboot

    Cài đặt Windows qua mạng LAN
    Trong khi chờ đợi trình cài đặt hoàn thành, bạn có thể tiếp tục cài đặt Windows cho tất cả các máy tính trong mạng LAN mà không cần bất cứ thiết bị USB hay DVD.

Đến đây, chắc chắn bạn đã thấy được sự đơn giản và tiện lợi của phương pháp cài Windows qua mạng LAN. Chúc bạn thành công!

Tham gia cuộc thảo luận

5 Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  1. Hiện tại mình có 2 con server và đều cài PXE, Vậy mình muốn cài con nào để boot trước con nào boot sau đc ko vậy.???
    CLient luôn mặc định boot con IP Static là x.x.x.100, mặc dù con khác mình để IP Static x.x.x.10.
    CÓ cách nào chỉnh trên PXE đó để client mặc định boot con x.x.x.10 trước không??

    1. Bên máy chủ báo sent:
      10:05:24 CH DHCPd:DISCOVER received, MAC:00-1D-BA-B6-CB-9E, XID:2B56AA6B
      10:05:25 CH DHCPd:OFFER sent, IP:0.0.0.0, XID:2B56AA6B
      10:05:26 CH DHCPd:DISCOVER received, MAC:50-46-5D-DB-AC-EE, XID:463CA966
      10:05:27 CH DHCPd:OFFER sent, IP:0.0.0.0, XID:463CA966
      10:05:41 CH DHCPd:DISCOVER received, MAC:00-1D-BA-B6-CB-9E, XID:2B56AA6B
      10:05:41 CH DHCPd:OFFER sent, IP:0.0.0.0, XID:2B56AA6B